Người nghèo thực sự đang nghĩ gì? Trong lòng họ quả thực chất đầy suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ, họ luôn cảm thấy mình bị những người giàu có bóc lột, luôn muốn đối đầu với người giàu.
Họ cũng nghĩ là người giàu nên nộp càng nhiều thuế càng tốt để sau này mình được hưởng thêm nhiều phúc lợi. Đây chính là lối tư duy rất cực đoan. Người ta nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” (tự trách mình trước khi trách người). Nếu thực sự nghĩ rằng bản thân mình nghèo khó, tốt nhất nên nghĩ cách để làm giàu hơn thay vì hằn học những người kiếm được nhiều tiền.
Kỳ thực, những điều mà người giàu và người nghèo yêu thích đại khái cũng gần giống nhau, đều là tiền tài, người đẹp, biệt thự, sống được thoải mái, vui vẻ… Nhưng sự khác biệt chính ở những gì họ ghét.
Ví dụ, khi bị mất điện thoại, người có “tư duy nghèo” sẽ có tâm oán giận, giận lũ trộm cướp, giận chính phủ hay oán trách kiểu như: “Cảnh sát các ông đúng là chẳng làm được trò trống gì. Nếu các ông quản tốt thì điện thoại của tôi đã không bị mất“.
Nhưng người có “tư duy giàu” thì nghĩ khác, cũng là oán trách, cũng là giận nhưng là tự giận bản thân: “Thế là mất tiêu chiếc điện thoại mới mua rồi. Sao mình lại không có bản lĩnh như vậy nhỉ! Mình nên cố gắng kiếm nhiều tiền hơn để mua một chiếc khác“.
Người tư duy nghèo vấp ngã và cứ mãi nằm vạ ở đó than thở, tiếc nuối. Còn người tư duy giàu thì cố gắng đứng dậy ngay, và nỗ lực gấp đôi để kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Đó chính là sự khác biệt lớn nhất giữa hai kiểu người.
Câu chuyện cổ sau đây có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự khác biệt trong suy nghĩ, tư duy của người giàu và người nghèo.
Có một người nghèo vì ăn không no, mặc không ấm nên thường hay kể khổ, than thân trách phận. Mặc dù, hàng ngày anh ta đều phải làm việc vất vả nhưng số tiền kiếm được lại chẳng đáng là bao.
Sau những tháng ngày sống trong khổ sở như vậy, một hôm anh ta thỉnh cầu Phật giải đáp cho những nỗi oan khuất trong lòng mình. Trước mặt vị Phật, anh ta vừa khóc vừa kể lể về những nỗi vất vả mà mình phải chịu đựng trong cuộc sống.
Cuối cùng, anh nói trong oán hận: “Con thấy cuộc đời này thật quá bất công! Tại sao những người giàu có đều nhàn nhã tự tại, còn người nghèo như con thì suốt ngày phải làm việc vất vả mà vẫn không đủ ăn?”
Vị Phật mỉm cười và hỏi lại anh ta: “Vậy phải như thế nào thì con mới cảm thấy công bằng?”
Anh người nghèo nhanh nhảu nói: “Dạ! Con xin Ngài hãy để cho một người giàu có cũng nghèo như con. Nếu như sau một thời gian mà người giàu đó vẫn giàu có thì con sẽ không còn oán trách gì nữa ạ!”
Vị Phật gật đầu nói: “Được!”
Nói xong, Vị Phật biến một người giàu có trở thành nghèo khó giống như anh ta. Đồng thời, vị Phật cũng biến ra hai ngọn núi có nhiều than đá để cho hai người họ cùng tới đó đào than kiếm sống. Thời gian quy định cho việc này là một tháng.
Thế là, họ bắt đầu lên núi đào than. Người nghèo hàng ngày làm việc nặng đã quen nên chẳng mấy chốc đã đào được một xe than đá và đem ra chợ bán lấy tiền. Sau khi bán được tiền, anh ta dùng hết số tiền đó mua đồ ăn ngon và mang về nhà cho vợ con cùng ăn.
Còn anh nhà giàu, vốn không quen làm việc nặng nhọc nên cứ đào được một lúc anh ta lại nghỉ một lúc, trên người mồ hôi túa ra như tắm. Đến tận chiều muộn, anh ta mới đào được gần đầy một xe than và đem ra chợ bán lấy tiền.
Nhưng sau khi bán được tiền rồi, anh ta chỉ mua mấy cái bánh bao mang về, số tiền còn lại cất đi để dành.
Ngày hôm sau, người nghèo dậy thật sớm để đi đào than với hy vọng đào được nhiều hơn hôm trước. Còn anh nhà giàu lại cầm số tiền còn lại đi dạo quanh chợ. Chỉ một lát sau, anh ta đã thuê được hai người nông dân nghèo vạm vỡ, khỏe mạnh.
Anh nhà giàu đưa hai người thợ đến núi đá để đào than, còn bản thân lại khoanh tay đứng nhìn và chỉ đạo họ làm việc. Chỉ trong một buổi sáng, anh người giàu đã có hai xe than đầy. Anh tiếp tục đem ra chợ bán lấy tiền, số tiền thu được lại thuê thêm mấy nhân công nữa tới đào than.
Đến hết ngày hôm đó, sau khi trả hết tiền thuê nhân công, số tiền mà anh nhà giàu thu được vẫn còn nhiều gấp mấy lần anh nhà nghèo.
Một tháng trôi qua nhanh chóng, anh nhà nghèo vẫn chỉ đào than ở một góc của ngọn núi. Đồng thời, số tiền mà anh ta thu được mỗi ngày đều dành để mua đồ ăn ngon nên cơ bản cũng không dành dụm được gì.
Còn anh nhà giàu thì sớm đã trở thành một ông chủ quản lý số nhân công đào hết số than đá trong ngọn núi ấy, bán đi kiếm được không ít tiền. Số tiền thu được từ bán than, anh ta lại chuyển sang buôn bán bất động sản nên chẳng mấy chốc lại đã trở thành một người giàu có.
Anh nhà nghèo lúc này đã không còn biết nói năng, oán trách gì nữa.
***
Giàu có hay nghèo khó thực sự chỉ sai khác nhau trong một ý nghĩ. Người mang tư tưởng làm giàu hoàn toàn khác với người chỉ mang mơ ước làm giàu. Bởi người giàu vốn dĩ là những người quyết tâm làm giàu, còn người nghèo thì lại chỉ mơ mộng giàu sang, thực tế không khác nào ôm cây đợi thỏ, há miệng chờ sung.
Người giàu coi thách thức là cơ hội, còn người nghèo thì coi thách thức là đe doạ sinh mạng mình.
Người giàu nắm bắt, theo đuổi mọi cơ hội, còn người nghèo thì chỉ muốn người khác cho mình một cơ hội.
Người giàu dám đánh cuộc liều lĩnh, còn người nghèo lại muốn được an toàn.
Người giàu biết cách làm chủ tiền bạc, còn người nghèo bị tiền bạc làm chủ.
Người giàu thích hành động, còn người nghèo thích mơ mộng.
Đó thực sự là “bí quyết” làm giàu mà những người giàu có, thành công không bao giờ tiết lộ cho người nghèo. Giờ thì bạn đã hiểu vì sao có những người rất giàu và cũng lại có người cả đời lao tâm khổ tứ mà nghèo vẫn hoàn nghèo rồi chứ?
Nhận xét
Đăng nhận xét