"Hãy luôn nhớ rằng thành công vừa là một hành trình, vừa là đích đến và con đường để tới đó cần luôn được xây đắp mỗi ngày.” - K.C.Smith
10. Người giàu nghĩ dài, người nghèo nghĩ ngắn
“Xã hội có thể được chia thành 5 lớp người: rất nghèo, nghèo, trung lưu, giàu và rất giàu. Mỗi người nghĩ về tiền bạc theo một cách khác nhau. Người rất nghèo nghĩ theo ngày, người nghèo nghĩ theo tuần, trung lưu nghĩ theo tháng, người giàu nghĩ theo năm và những người rất giàu nghĩ theo thập kỉ.
Có ba mục tiêu cơ bản trong tư duy của 5 nhóm người trên. Mục tiêu chính của nhóm người rất nghèo và nghèo là tồn tại. Mục tiêu cơ bản của tầng lớp trung lưu là sự tiện nghi, sung túc, còn mục tiêu của lớp người giàu và rất giàu là tự do.”
Thói quen trong tư tưởng và suy nghĩ của mỗi người quyết định nên sự giàu có chứ không hẳn là sự bất công của xã hội. Người giàu lại càng thêm giàu nhờ những suy nghĩ sâu xa về tương lai của họ, “càng suy nghĩ dài hơi, bạn càng trở nên giàu có”. Người nghèo chỉ nghĩ đến cuộc sống hiện tại. Nghèo ở đây không hẳn là nghèo về vật chất, về tiền bạc mà là nghèo về tư duy, tư tưởng, lối suy nghĩ, nghèo nàn trong các mối quan hệ và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Để bắt đầu trước hết hãy lập kế hoạch, mục tiêu cho bản thân trong 5, 10, 20 năm nữa và kiên nhẫn thực hiện. Chỉ có kiên nhẫn mới hình thành thói quen và từ thói quen mới quyết định sự thành công của bạn như K.C.Smith nói: “Kiên nhẫn là tài sản của người giàu, nóng vội là khoản nợ của người nghèo”.
Một điều mà K.C.Smith muốn đề cập nữa là việc xây dựng các mối quan hệ. Gần đây, trường Đại học Harvard đã công bố kết quả của một cuộc nghiên cứu được thực hiện trong 75 năm, trải qua 4 đời nghiên cứu để trả lời cho câu điều gì khiến cho con người ta hạnh phúc. Điều khiến cho con người ta hạnh phúc chính là họ sở hữu những mối quan hệ bền vững, tốt đẹp. Đó là gia đình, là bạn bè thân thiết, là tri kỷ.
9. Người giàu bàn về ý tưởng, người nghèo buôn chuyện tào lao
“Trên đời có ba loại người, những người làm nên, những người chứng kiến và những kẻ bàn luận về những gì đã diễn ra.
Trong cuộc sống, chúng ta có đôi lúc tán ngẫu, bàn luận với bạn bè, người thân về những chuyện của người khác theo chiều hướng tích cực và tiêu cực. Nhưng hầu hết chúng ta thường nói và bận lòng về những điều mà người khác khiến chúng ta không vừa lòng. Thực tế là “nếu dành quá nhiều thời gian bàn tán chuyện của người khác, bạn sẽ trả giá cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Còn những người giàu thì sao? Người giàu dành nhiều thời gian quý báu của mình để nói về các ý tưởng và học hỏi từ quan điểm của những người thành đạt để làm cho đời sống mình trở nên phong phú và có ý nghĩa hơn. Từ đó, các ý tưởng sinh sôi nảy nở và chúng sẽ giúp cho chúng ta đạt được những điều mà chúng ta mong muốn. Bởi lẽ, “tiền bạc có sức mạnh lớn lao, nhưng ý tưởng có sức mạnh phi thường”.
8. Người giàu cấp tiến, người nghèo thủ cựu
Trong khi thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đang tiến đến cuộc cách mạng 4.0 thì hàng triệu người Việt Nam cùng với các quốc gia kém phát triển và đang phát triển phải đối diện với việc làm sao để thay đổi và bắt kịp theo xu hướng của thế giới. Nido Qubein nói: “Đối với những người hay e sợ, sự thay đổi thật là kinh khủng. Với những người bình thường, sự thay đổi là đe dọa. Nhưng với những người thật sự tự tin, thay đổi là cơ hội”.
Những người tự tin sẽ trở nên giàu có vì họ chấp nhận sự thay đổi và cơ hội sẽ đến với họ. Còn những người luôn bất an, nghi ngờ về sự thay đổi sẽ đánh mất cơ hội và đánh mất sự giàu có. Tất nhiên giàu có luôn đi kèm với sự đánh đổi, sợ hãi chỉ làm chùn bước chân của bạn. Sự thay đổi sẽ cho thấy bạn là người như thế nào. Nó bộc lộ bản chất con người bạn. “Tương lai thuộc về những người thay đổi theo thời gian”.
7. Người giàu dám mạo hiểm, người nghèo an phận thủ thường
“Người nghèo bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn làm thuê vì họ không dám mạo hiểm.”
“Người giàu mạo hiểm CÓ TÍNH TOÁN.”
Có thể nhận thấy một vài điểm chung của những người không dám mạo hiểm là họ sợ thất bại, sợ bị cự tuyệt và sợ thua thiệt. Tất nhiên những người mạo hiểm là những người luôn có thái độ tích cực. Họ tự tin, không sợ bị người khác bác bỏ những ý tưởng của mình, sẵn sàng cho mọi người thấy quan điểm của mình và quan trọng là họ không sợ thất bại. Cũng giống như giữa việc chọn một công việc theo sở thích hay chọn một công việc đảm bảo mức sống, nhu cầu cho cá nhân và gia đình. Tuổi trẻ lúc nào cũng phân vân giữa một quyết định an toàn và một quyết định mạo hiểm. Thế nên trước mỗi lần quyết định việc gì đó, chúng ta phải có đủ các kiến thức, thông tin cần thiết, dự đoán trước những hậu quả sẽ xảy ra.
Nido Quebein cố vấn của K.C.Smith đã dạy ông trả lời ba câu hỏi trước khi quyết định để đưa ra những quyết định thông minh nhất:
“Điều tốt nhất có thể xảy ra là gì?
Điều tồi tệ có thể xảy ra là gì?
Điều gì có khả năng xảy ra nhất?”
Cho dù kết quả có thất bại hay thành công thì ít nhất bạn cũng đã có cho bản thân mình một bài học, một kinh nghiệm quý giá. Tỉnh giấc giữa giấc mơ, hoặc giấc mơ đó là có thật. Đừng để đến cuối cuộc đời, bạn phải hối tiếc về những gì mà mình chưa làm. Gửi tặng đến bạn một lời khuyên chân thành nhất hãy “sống như thể mai là ngày tận thế”.
6. Người giàu học cả đời, người nghèo theo nửa đoạn
“Hầu hết các triệu phú mà tôi biết đều đọc mỗi tuần một cuốn sách”. Sách là nguồn tri thức rộng lớn, là cả một kho tàng đồ sộ mà các tác giả mất cả cuộc đời của mình để nghiên cứu, thu thập dữ liệu và mất chất xám để đầu tư vào đứa con tinh thần của mình truyền đạt đến cho nhân loại. Trong khi nhân loại tiếp thu kiến thức đó chỉ trong một vài giờ đọc nghiềm ngẫm. Khi bạn bỏ tiền ra mua một cuốn sách có nghĩa là bạn đã bỏ tiền ra để trả công cho những lời khuyên, những bài học của những người từng trải.
“Người giàu đọc sách về tiền bạc và cách tạo dựng quan hệ. Họ đọc về sức mạnh của trí óc, về những bài học thành công và thất bại của những người khác”.
Quan điểm “người giàu là cậu học trò tích cực trong cuộc đời chứ không chỉ trên phương diện tiền bạc” của K.C.Smith cũng giống như lời Hồ Chí Minh từng nói “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”. Ngoài những kiến thức phổ thông bạn còn phải học thêm những điều mà trường học không dạy bạn. Bởi trường đời ác liệt và tàn khốc hơn trường học rất nhiều. Chính vì quá khốc liệt nên nó sẽ dạy cho bạn rất nhiều kinh nghiệm và bài học nhớ đời. Để cho bạn không phải sống với sự áp lực và cạnh tranh đó bạn cần phải bắt đầu học và làm những gì mà bạn yêu thích, những gì tạo được cảm hứng cho bạn. Có thế bạn mới có động lực, những ý tưởng mới tuôn trào. Ngoài ra, bạn cũng cần phải biết ưu tiên học cách làm hài lòng bản thân, học cách quan tâm đến gia đình và sức khỏe của bản thân. Hãy luôn nhớ người giàu học cả đời và học hỏi những phương diện khác nhau của cuộc sống.
5. Người giàu nỗ lực vì lợi nhuận, người nghèo làm việc vì lương
“Nếu bạn coi lương là nguồn thu nhập chính, thu nhập của bạn sẽ luôn vô cùng hạn chế. Nếu nỗ lực tạo lợi nhuận, khi đó thu nhập của bạn sẽ là vô tận.”
Lương là khoản tiền bạn nhận được cho công việc bạn làm. Lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa giá mua đầu vào thấp và giá bán cao. Tất nhiên quá trình làm việc vì lợi nhuận phải trải qua giai đoạn đầu tiên là làm việc vì lương. Trong quá trình đó, bạn có thể học hỏi và tìm cho mình cơ hội để sẵn sàng kiếm được những nguồn lợi nhuận nhỏ cho đến khi có cơ hội để kiếm được nguồn lợi nhuận lớn. Để làm được điều đó, bạn cần phải có một chút mạo hiểm, một chút may mắn và điều đặc biệt là bạn cần phải biết tận dụng cơ hội trong những thời điểm thích hợp. Điều mà K.C.Smith rút ra được trong kinh nghiệm của mình về khía cạnh lợi nhuận và lương được chia sẻ trong quyển sách này là “Nếu muốn thành triệu phú, bạn cần học cách làm việc vì lợi nhuận”.
4. Người giàu rộng tay, người nghèo đong đếm
Một trong những câu chuyện về sự hào phóng của tác giả:
Một hôm, tôi đến mua đồ ăn trưa tại một cửa hàng bánh sandwich. Một chàng trai khoảng 19 tuổi phục vụ tôi. Tổng số tiền phải trả không đến 5 đô-la, nhưng tôi đã đưa cậu ta 10 đô-la. Khi cậu ta trả lại tôi 5 đô-la và một ít xu lẻ, tôi đút vào túi và đưa cậu 5 đô-la. “Đây là tiền boa cho cậu”, tôi nói.
Trong một thoáng, cậu thanh niên có vẻ bối rối, rồi cậu ta nói: “Ông nói thật à?”
“Ừ”, tôi đáp.
“Trời đất!” Cậu ta reo lên, không thể tin là tôi cho cậu ấy tận 5 đô-la.
Phản ứng của cậu trước 5 đô-la tôi cho thật đáng ngạc nhiên.
Sự hào phóng của bạn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác, khi bạn cho đi một cách thật lòng bạn sẽ nhận lại một điều gì đó. Hào phóng không có nghĩa là cho ai đó về mặt vật chất mà còn có sự hào phóng về mặt tinh thần bao gồm những lời nói, hành động xuất phát từ tấm lòng. Dù bạn không giàu có về mặt tiền bạc, bạn vẫn giàu có về tâm hồn. Đó là cách người giàu đem lại cho mình niềm vui và hạnh phúc bằng cách mở rộng lòng mình, mở rộng tình yêu thương với người khác. Hãy tin vào luật nhân quả, bạn cho đi và bạn sẽ được nhận lại.
3. Người giàu có nhiều nguồn thu nhập, người nghèo chỉ có một
Nguồn thu nhập chính của bạn là lương. Tất nhiên ai cũng có một công việc chính và mong chờ vào đồng lương chính này. Thực tế trong cuộc sống của mỗi người, thu nhập và chi tiêu là hai thái cực trái ngược nhau. Bạn biết đấy nhu cầu sống của con người là vô hạn trong khi thu nhập của bạn lại có hạn. Bạn sẽ lựa chọn một nguồn thu nhập hay nhiều nguồn thu nhập cho khoản chi tiêu không giới hạn của bạn. Ngày nay, một công việc cho một nguồn thu nhập chính là không đủ đáp ứng nhu cầu trong khi vật giá ngày càng tăng cao. Chính vì thế người giàu tìm cho mình những những nguồn thu nhập khác nhau.
Người giàu biết xây dựng một đội ngũ cùng nhau tạo ra các nguồn thu nhập thụ động. Nghĩa là không cần bỏ ra nhiều công sức vẫn thu được tiền. Làm việc ăn ý với một nhóm sẽ tạo ra niềm tin. Mối quan hệ hợp tác dựa trên sự khen ngợi và tôn trọng lẫn nhau. Từ đó hình thành nhiều ý tưởng và thành quả công việc là không giới hạn. Một bí mật tối cao nữa của người giàu là “sự hài hòa hữu ý” nghĩa là sự kết nối. Người nghèo làm cùng một lúc hai việc nhưng họ không kết nối công việc thứ hai với công việc thứ nhất. Người giàu khiến cho mỗi nguồn thu nhập thụ động trợ giúp nhau.
“Thu nhập thụ động, các nhóm làm việc và sự hài hòa hữu ý là mối quan hệ ba chiều không dễ gì bị phá vỡ. Chúng giúp bạn xây dựng một cuộc sống tài chính vững mạnh.”
2. Người giàu nỗ lực để tăng lợi nhuận, người nghèo cặm cụi cố tăng lương
“Người giàu biết sai khiến đồng tiền làm việc cật lực cho họ. Còn người nghèo làm việc cật lực vì đồng tiền.”
Bạn chăm chỉ làm việc. Chưa chắc bạn đã kiếm được nhiều tiền. Khi bạn kiếm được nhiều tiền vì làm việc chăm chỉ. Chưa chắc đó là đồng tiền lớn nhất mà bạn có thể nhận được. Đó là cách làm việc của người nghèo chỉ vì họ làm việc chăm chỉ, hay nói chính xác hơn họ bị đồng tiền sai khiến.
Bạn tập trung làm việc vì muốn tạo ra lợi nhuận. Đó là cách làm thông minh vì khi lợi nhuận đạt đến một mức độ nào đó, bạn sẽ được tự do làm những gì bạn thích.
Làm thế nào để tạo ra lợi nhuận? Cuốn sách này không hướng dẫn cho bạn từng bước tạo ra lợi nhuận nhưng nó gợi ý cho bạn cách để tạo ra lợi nhuận:
- Hãy biến lương thành thu nhập thụ động.
- Hãy gây dựng một doanh nghiệp nhỏ.
- Đầu tư vào chứng khoán, bất động sản.
1. Người giàu tư duy tích cực, người nghèo sống bi quan
Người nghèo sống bi quan về tư duy. Nghĩa là bạn sẽ không có câu trả lời cho một vấn đề nào đó mà bạn thắc mắc khi mà bạn không hỏi và thường là bạn sẽ cho qua. Trên thực tế, học sinh, sinh viên Việt Nam ít hỏi và không dám hỏi thầy cô của mình. Không phải các bạn đều sợ đặt câu hỏi mà hầu hết các bạn không có thói quen tư duy, đặt câu hỏi cho những người có kinh nghiệm trả lời.
Người giàu tạo cho mình thói quen tư duy tích cực bằng cách đặt câu hỏi. Chính vì thế mà cuộc sống của họ luôn mang ý nghĩa và điều đó giúp họ thành công trong cuộc sống. Hãy học cách đặt câu hỏi tích cực, đặt những câu hỏi vượt ngoài tầm hiểu biết và kinh nghiệm của mình.
Chín câu hỏi tích cực của tác giả dành cho mọi người. Lưu ý: Hãy trả lời chúng một cách trung thực nhất có thể:
- Tôi muốn trở thành mẫu người như thế nào?
- Tại sao tôi muốn trở thành mẫu người đó?
- Tôi phải làm gì để trở thành mẫu người đó?
- Tôi muốn làm gì?
- Tại sao tôi lại muốn làm việc đó?
- Tôi làm việc đó bằng cách nào?
- Tôi muốn có cái gì?
- Tại sao tôi lại muốn có nó?
- Tôi tạo ra nó bằng cách nào?
Bạn có thấy mình đã nghiệm ra được điều gì sau khi trả lời những câu hỏi này không? Luôn nhớ rằng câu hỏi được đặt ra không bao giờ là vô ích cả. Những câu hỏi giúp bạn phát hiện ra bản thân muốn trở thành người như thế nào, muốn làm gì và muốn có cái gì. Cái bạn mong muốn và cái bạn làm được phải xuất phát từ chính bản thân bạn. Có thế những việc mà bạn làm mới là những điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời của chính bạn.
“Ý nghĩa cuộc đời chúng ta không phải MUỐN ĐƯỢC thành công
mà là TRỞ NÊN thành công.”
Kết luận
Với ngôn từ ngắn gọn, súc tích, không quá trau chuốt, không dài dòng, nội dung chân thực và bổ ích là những gì tôi cảm nhận được sau khi đọc quyển sách này. “10 điều khác biệt nhất giữa kẻ giàu và người nghèo” không chỉ là sự so sánh chân thực nhất về kẻ giàu và người nghèo mà còn là những câu chuyện đời thực, những bài học bổ ích, những lời khuyên chân thành của tác giả đến với độc giả. Dù bạn có là người lười đọc đến mấy nhưng một khi bạn quan tâm đến chủ đề này, cuốn sách sẽ giúp bạn với những lời khuyên ngắn gọn nhất và sâu sắc nhất. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được những thông điệp đầy ý nghĩa của tác giả thông qua cuốn sách này. Quá trình tiến đến sự giàu có của bạn sẽ rút ngắn đi là nhờ vào sự hữu ích của việc đọc sách và việc sau đó là rèn luyện mỗi ngày những điều học được từ sách.
Nhận xét
Đăng nhận xét